t17lab gửi vào
- 11861 lượt xem
Dự án “Máy tính 9 USD – C.H.I.P.” đã được kêu gọi vốn tại Kickstarter từ năm 2015 bởi công ty Next Thing Co. có trụ sở tại Oakland, Mỹ; dự án vẫn đang được tiếp tục phát triển nâng cấp và sản xuất hàng loạt cung cấp đến người dùng toàn cầu. Nhóm may mắn sở hữu được hai máy tính loại này cho một dự án nghiên cứu về sóng vô tuyến Outernet trước đây, may mắn là vì trên trang web chính thức https://getchip.com/ hiện tại không thể giao hàng đến khu vực Việt Nam, và giá thành có thể tăng lên do chi phí vận chuyển nếu mua qua các kênh đặt hàng trung gian. Có hai phiên bản đang được lưu hành toàn cầu với dung lượng flash là 8GB (phiên bản cũ sử dụng NAND: Hynix 8G MLC) và dung lượng 4GB (phiên bản mới 2017 sử dụng NAND: Toshiba 4G MLC).
CHIP được sử dụng như là thành phần xử lý dữ liệu vệ tinh trong dự án Outernet
Tại trang web https://getchip.com/, bạn còn có thể thấy nhiều sản phẩm nâng cấp khác như C.H.I.P Pro, Pocket CHIP, C.H.I.P. Pro Dev Kit; đây là những phiên bản có tích hợp thêm những phần cứng khác như màn hình, bàn phím, vỏ nhựa,…. Tùy nhu cầu thực tế cho dự án mà bạn sẽ thực hiện, getchip.com sẽ có những thông tin kỹ thuật để hỗ trợ cho việc quyết định bỏ kinh phí đầu tư phù hợp. Hình ảnh bên dưới sẽ giới thiệu nhanh CHIP có gì trong bản thân nhỏ bé của nó.
So sánh về tính năng với các sản phẩm cùng loại, chúng tôi muốn trích dẫn lại một bài viết “Giới thiệu cơ bản máy tính 9 USD: C.H.I.P” tại Cộng đồng arduino.vn thực hiện đánh giá chi phí và tính năng so với Raspberry Pi Zero, VBLUNO. Theo trải nghiệm từ nhóm trong dự án xử lý tín hiệu vô tuyến Outernet, chúng tôi ghi nhận mạch hoạt động khá ổn định khi xử lý dữ liệu liên tục từ vệ tinh Inmarsat gởi về; tuy nhiên vẫn cần những giải pháp tản nhiệt phù hợp nếu sử dụng trong thời gian dài.
Hai phiên bản C.H.I.P. đang hoạt động (mặt trước)
Phiên bản CHIP v1.0 (ảnh trên) sử dụng Allwinner R8 processor và phiên bản CHIP Alpha v0.21 (ảnh dưới)
So sánh kích thước CHIP và Intel Edison sử dụng Breakout board
Kết nối CHIP và Windows
CHIP hỗ trợ kết nối từ hệ điều hành Windows, Linux và MacOS thông qua cổng USB, COM Port cũng như thông qua kết nối mạng Wifi. Trong bài viết này, tôi sử dụng cổng COM để kết nối; trước đó, bạn cần cài driver (mirror) hỗ trợ và bảo đảm thiết bị được Windows nhận biết.
Kết nối mạch CHIP và kiểm tra cổng COM4 tại máy tính
Kết nối đến thiết bị sử dụng cổng COM4; speed: 115200. User/Pass: chip
Một số thông tin phần cứng thiết bị: storage, processor, memory
Cập nhật OS/ Firmware
Nhà sản xuất cung cấp sẵn cho người dùng một số phiên bản OS phù hợp cho từng mục đích sử dụng, đề thay đổi phiên bản hệ điều hành, người dùng có thể flash thông qua trình duyệt Google Chrome hoặc Virtual Box, cần thiết lập CHIP ở chế độ FEL như hình dưới (kết nối chân FEL và GND).
CHIP đang thiết lập tại chế độ FEL
Các hệ điều hành có sẵn từ nhà sản xuất
Chọn phiên bản cài đặt tương ứng mà bạn muốn sử dụng
Phát âm thanh sử dụng cổng 3.5mm
CHIP cung cấp một cổng 3.5mm Tip-Ring-Ring-Sleeve (TRRS) đa năng cho phép xuất hình ảnh NTSC/PAL, âm thanh stereo và ghi âm, trong phần trải nghiệm này, tôi thực hiện chơi một bài nhạc định dạng mp3 đơn giản. Trước hết, tôi tiến hành cài đặt và thiết lập một số thành phần điều khiển âm thanh.
sudo apt-get update sudo apt-get install libasound2 alsa-utils alsamixer
Giao diện alsamixer thiết lập card âm thanh
Tiếp theo, tôi cài đặt phần mềm mplayer sử dụng lệnh sudo apt-get install mplayer và quá trình sẽ diễn ra tự động. Người dùng có thể tải nhạc từ internet sử dụng lệnh wget hoặc sử dụng WinSCP kết nối SSH đến thiết bị CHIP để truyền tập tin.
Giao diện chương trình mplayer phát nhạc MP3
Kiểm tra kết nối không dây (Wifi + Bluetooth)
CHIP sử dụng nền tảng Debian khá quen thuộc trên nhiều sản phẩm cùng loại, nếu bạn là một Maker chuyên nghiệp thường xuyên sử dụng Linux thì sẽ khá quen thuộc với các cấu hình Wifi và Bluetooth. Trong bài viết này nhóm cũng liệt kê lại để dành cho các bạn mới bắt đầu sử dụng.
Kết nối mạng Wifi
Một số lệnh tham khảo phục vụ kết nối Wifi:
- nmcli device wifi list: liệt kê các SSID trong phạm vi thu/phát sóng
- sudo nmcli device wifi connect ‘(your wifi network name/SSID)’ password ‘(your wifi password)’ ifname wlan0: kết nối đến một Wifi có mật khẩu
- nmcli device status: kiểm tra trạng thái kết nối
- nmcli connection show –active: kiểm tra trạng thái kết nối
- sudo nmcli dev disconnect wlan0: ngắt kết nối Wifi
- nmcli c sudo nmcli connection delete id “NTC 2461”: thực hiện xóa thông tin SSID đã kết nối
Thực hiện quét SSID wifi và kết nối thông qua lệnh nmcli
Tải dữ liệu từ Internet cho kết quả khá ổn định
Kết nối mạng Bluetooth
Một số lệnh tham khảo phục vụ kết nối Bluetooth:
- bluetoothctl: truy xuất chế độ điều khiển Bluetooth
- power on: bật chế độ cho phép tương tác
- scan on/0ff: bật/tắt chế độ quét thiết bị xung quanh
- pair 1C:1A:C0:85:5E:2C: kết đôi với thiết bị khác
- connect 1C:1A:C0:85:5E:2C: kết nối đến thiết bị khác
- trust 1C:1A:C0:85:5E:2C: đưa thiết bị vào danh mục tin tưởng
- remove 1C:1A:C0:85:5E:2C: xóa thiết bị
Thực hiên bật tính năng Bluetooth tại CHIP, quét thiết bị và kết nối
Kết nối thiết bị CHIP từ điện thoại thông qua Bluetooth
Kết nối thiết bị lưu trữ USB
Mặc định CHIP hỗ trợ dung lượng lưu trữ là 4GB, trong trường hợp dữ liệu của bạn phình to và cần thêm vùng nhớ thì USB Drive là một cứu cánh để bảo đảm dữ liệu được ghi/đọc liên tục.
Kết nối thiết bị lưu trữ USB trực tiếp vào CHIP phục vụ mở rộng vùng lưu trữ dữ liệu
Thông tin nhận thiết bị phần cứng USB từ hệ điều hành (lệnh dmesg)
Thực hiện Mount thiết bị USB phục vụ lưu trữ dữ liệu
Tạm kết
Trong bài viết này, nhóm giới thiệu các tính năng cơ bản với mạch CHIP tiêu chuẩn, trong phần tiếp theo, nhóm sẽ cố gắng phân tích sâu vào một tính năng cụ thể khác nhằm mang đến những kinh nghiệm sử dụng Linux trên một số mạch SoC khác hiện nay. Với kinh nghiệm của chúng tôi, để tối ưu các hoạt động trên SoC, người mới bắt đầu cần tiếp cận với giao diện dòng lệnh thay thế cho giao diện đồ họa để có thể nắm rõ cơ chế hoạt động của hệ điều hành, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm thương mại do chính mình phát triển trong tương lai.
Việc sử dụng CHIP sẽ mang lại cho bạn các trải nghiệm mới về sử dụng các mạch SoC và hệ sinh thái IoT ngày nay, với chi phí 9USD sẽ phù hợp cho các bạn đam mê công nghệ và phòng lab nghiên cứu chế tạo. Next Thing Co. vẫn đang liên tục cải tiến sản phẩm của họ và mang lại nhiều trải nghiệm mới hơn thông qua kết nối nhiều thành phần bổ trợ khác. Nếu bạn có dự định sẽ sở hữu một mạch CHIP trong tương lai gần, bạn có thể tham khảo thêm một số tính năng tại trang tài liệu chính thức https://docs.getchip.com/chip.html.