monsieurvechai gửi vào
- 13639 lượt xem
Như các bạn đã biết, Pi Zero W được lên kệ vào sinh nhật của Raspberry Pi cách đây vài ngày. Và như thường lệ, hiện nay PZW đã cháy hàng trong vòng chưa đầy 1 tuần, mặc dù có giá gấp đôi so với phiên bản "2 tô phở" của người tiền nhiệm. Ta hãy cùng xem sự khác biệt ra sao nha!
So sánh
Cấu hình của PZW như sau:
- 1GHz, single-core CPU
- 512MB RAM
- Mini-HDMI port
- Micro-USB On-The-Go port
- Micro-USB power
- HAT-compatible 40-pin header
- Composite video and reset headers
- CSI camera connector
- 802.11n wireless LAN
- Bluetooth 4.0
Như vậy, ngoài wifi và bluetooth ra thì PZW (trên) có cấu hình y chang như người tiền nhiệm PZ (dưới). Để nhồi nhét thêm chip và anten thì PCB của PZW được thiết kế lại đôi chút. Mặt trước của PCB có thêm vài chi tiết, điều này khiến cho 1 số case cũ (pibow chẳng hạn) sẽ không sử dụng được với PZW
Mặt sau của PCB thì PZW có thêm vài điểm test point gần các GPIO, và đặc biệt là dòng chữ FCC.
Đây là lí do tại sao PZW lại có giá cao đột ngột. Thực ra giá của mấy con chip và cái anten không là bao (so với phiên bản đầu tiên thì PZ có thêm cổng camera mà giá vẫn không thay đổi). Tuy nhiên do PZW có wifi nên phải đươc kiểm định bởi FCC (Federal Communications Comission) ở Huê Kỳ nếu muốn bán được ở thị trường này. Và dĩ nhiên là người tiêu dùng phải cắn răng trả chi phí này cho xứ tư bản giãy chết.
Đó là chưa kể nếu bạn không có màn hình HDMI thì sẽ phải thêm 1 đống dây nhợ như thế này:
Vậy PZW dành cho ai?
Không thể phụ nhận rằng việc đưa thêm chip wifi vào đã chính thức đưa PZW vào danh sách các thiết bị Internet của Vạn Vật. Trước đây, khi muốn giao tiếp không dây với Pi Zero thì người sử dụng phải mua thêm hub và wifi dongle, điển hình như combo dưới đây. Và giá 1 combo như thế này đã gấp 3 lần giá Pi Zero. Rõ ràng là người sử dụng tiết kiệm được nhiều khi mua PZW.
Tuy nhiên, tích hợp wifi + bluetooth là nhắm đến đối tượng nào? Câu trả lời rất đơn giản là cho con nhà có điều kiện và cần tiết kiệm không gian. Kích thước vật lý là điểm tối ưu của PZW khi mà có những dự án cần không gian nhỏ hẹp (chẳng hạn như máy tính bỏ túi, máy pha cà phê khi mà bạn không thể nhồi nhét Pi 3). Và hẳn nhiên PZW không hề dành cho việc prototype như bài này, đơn giản là vì PZW không phải là bo mạch phổ thông (luôn khan hàng), cần kinh nghiệm (người mới sử dụng cần hàng giờ đồng hồ để làm quen), và một khi bạn đã thiết lập được ssh thì bạn sẽ chẳng bao giờ gắn PZW vào màn hình vi tính nữa (nghĩa là hướng đến việc chạy luôn thành phẩm).
PZW, CHIP hay ESP32?
Nếu tính về kích thước (nhỏ gọn bỏ túi) và hiệu năng (Wifi + BLE) thì PZW có 2 đối thủ là CHIP và ESP32.
Đứng ở giữa là CHIP: giá thành thấp nhất và chạy linux. Tuy nhiên vì đây là sản phẩm kickstarter nên rất khó kiếm ở Việt Nam.
ESP32 sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho cộng đồng Việt Nam vì cân bằng giữa hiệu năng (nhiều cổng analog, wifi, bluetooth) và sự phổ biến trên thị trường (có thể nhập khẩu từ TQ). Tuy nhiên giá của ESP32 là khá chát với hơn 20 USD cho 1 development board.
Và đứng chót bảng là PZW vì khan hàng, nguy cơ đội giá rất cao. Tuy nhiên một khi sở hữu được PZW thì bạn sẽ có rất nhiều tiềm năng. Bài tới tui sẽ demo cho các bạn chạy Windows 98 trên PZW.